Sự phát triển của thai nhi tuần 35
Tháng Chín 1, 2022Sự phát triển của thai nhi tuần 37
Tháng Chín 1, 2022Mẹ bầu mang thai 36 tuần là đang bước vào tháng thứ 9 của thai kỳ. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày lâm bồn của mẹ và ngày chào đời của con đang đến gần.
Thai nhi 36 tuần phát triển như thế nào ?
- Bé 36 tuần tuổi đã có trọng lượng khoảng 2,63 kg và chiều dài tính từ đỉnh đầu đến gót chân khoảng 47,5 cm cỡ bằng một quả dứa lớn.
- Những chỉ số cơ bản khác của thai nhi trong tuần thứ 36 của thai kỳ :
Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): trung bình tầm khoảng 89mm.
Chiều dài xương đùi của thai (FL): 68mm.
Chu vi bụng của bé (AC): 322mm.
Chu vi đầu của thai nhi (HC): 238mm.
Cân nặng thai nhi ước tính (EFW): ước tính là 2813g.
- Chất sáp màu trắng được gọi là bã nhờn thai nhi bao phủ phần lớn cơ thể bé trong suốt hành trình 9 tháng qua giờ đã tan biến. Bé sẽ nuốt chúng cũng như các chất khác khiến cho ruột bắt đầu hoạt động.
- Những giác quan của bé ở những tuần cuối đã phát triển rất tốt, đặc biệt là thính giác đã phát triển rất nhạy bén trong vòng vài tuần qua. Bé thậm chí có thể nhận ra giọng nói và những bài hát mẹ thường nghe cùng bé ở giai đoạn này.
- Khi mẹ mang thai được 36 tuần, khớp sọ chưa liền nên đầu có thể di chuyển qua ống sinh. Xương sọ và hầu hết các xương khác kể cả sụn của con vẫn còn mềm, cho phép hành trình vượt cạn dễ dàng hơn trong quá trình sinh nở.
- Nhiều cơ quan và hệ thống của bé như hệ tuần hoàn, hệ miễn dịch,... đã trưởng thành và sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa cần thêm thời gian để hoàn toàn trưởng thành. Thai nhi nhận dưỡng chất chủ yếu từ dây rốn nên dù thai nhi đã hình thành hệ tiêu hóa nhưng nó vẫn chưa hoạt động. Cần 1 đến 2 năm đầu đời để hệ tiêu hóa thực hiện chức năng bình thường.
- Bên cạnh đó, mẹ bầu mang thai tuần 36 cũng sẽ cảm nhận được rằng, bé không còn quấy đạp như giai đoạn trước. Rất đơn giản bởi vì giai đoạn này, bé chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ để chuẩn bị cho sự kiện ra đời sắp tới.
Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 36 tuần
- Braxton Hicks, các cơn co chuyển dạ giả, có thể đến thường xuyên hơn, kéo dài và khó chịu hơn. Đôi khi, các cơn co Braxton Hicks có cường độ và nhịp độ khó phân biệt với các dấu hiệu của chuyển dạ sớm.
- Việc em bé nằm ở xương chậu của mẹ sẽ làm tắc nghẽn bàng quang. Vì vậy, mẹ sẽ lại phải đi vệ sinh nhiều hơn. Nhưng không nên cắt giảm chất lỏng để hạn chế tình trạng này vì cơ thể mẹ đang rất cần chất lỏng để giữ nước hơn bao giờ hết.
- Bầu ngực bạn sẽ căng sữa hơn. Do vậy các mẹ sẽ có cảm giác ngực nặng nề hơn. Tuy nhiên, hãy cảm thấy vui vì điều đó có nghĩa là bạn sẽ có nguồn sữa dồi dào cho bé sau này.
- Mẹ sẽ nhìn thấy chất nhầy có màu đỏ hồng hoặc nâu sau khi quan hệ tình dục hoặc khám phụ khoa. Không cần quá lo ngại về điều này bởi vì cổ tử cung có thể bắt đầu giãn ra để chuẩn bị cho việc sinh con.
- Da bụng bị bị kéo căng có thể gây ngứa. Mẹ nên thử dùng kem có chứa bơ ca cao hoặc vitamin E để thoa lên dụng giúp làm dịu cảm giác ngứa và thoải mái hơn.
- Mẹ sẽ khó tìm được tư thế nằm thoải mái thật sự để ngủ ngon. Tránh để cho căn phòng quá ngột ngạt, giữ thoáng mát bằng cách mở hé cửa sổ hoặc dùng điều hòa.
- Cơ thể bà bầu tuần 36 sẽ đối diện với các cơn đau vùng chậu. Đầu em bé xuống thấp, sâu hơn vào xương chậu và tử cung nặng hơn
- Bàn chân của mẹ bầu sẽ có hiện tượng bị phù nề trông giống như đang bị sưng tấy vậy. Mẹ bầu sẽ không thể nhận diện được bàn chân và mắt cá chân vì trông chúng cứ như đang lẫn vào với nhau
Lời khuyên của bác sĩ để thai 36 tuần phát triển tốt
- Hãy giữ một tinh thần thoải mái, sảng khoái. Đừng lo lắng gì cả. Bởi vì nếu bạn lo lắng, căng thẳng thì cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé sau khi sinh ra đó.
- Chế độ ăn uống : mẹ cần bổ sung thêm vitamin B6. Vitamin B6 đóng một vai trò đặc biệt lớn trong sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh của thai nhi. Vitamin B6 có nhiều trong chuối, bơ, mầm lúa mì, gạo lứt, cám, đậu nành, bột yến mạch, khoai tây, cà chua, rau chân vịt (rau bina, bó xôi), dưa hấu và thịt. Ngoài ra, mẹ vẫn duy trì việc bổ sung sắt, canxi, acid folic, DHA như trong những tuần thai trước nhé.
- Chế độ vận động : mẹ bầu khi mang thai 36 tuần nên vận động nhẹ nhàng hàng ngày. Sự vận động của thai phụ giúp máu huyết được lưu thông, kích thích tuần hoàn đến thai nhi tốt hơn
- Từ tuần 36, mẹ bầu cần khám thai hàng tuần. Vào lần khám thai tuần 36, các mẹ sẽ được bác sĩ tiến hành:
Khám tổng quát, đo huyết áp.
Xét nghiệm máu.
Siêu âm màu theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch tử cung, động mạch não, kiểm tra dây rốn, nước ối, ngôi thai, biến chứng thai nghén,…
Thử nước tiểu kịp thời phát hiện những bệnh lý tiền sản giật cũng như các biến chứng khác.
Nghe tim thai, đo chiều cao tử cung, kiểm tra cổ tử cung, đánh giá độ dài và độ mở của cổ tử cung, kịp thời chẩn đoán và điều trị sớm nếu bị dọa sinh non.
Tiến hành xác định ngôi thai. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp sinh phù hợp.